Chào mừng Quý vị đến với trang web của Bộ Ngoại giao Đức!
Sự kiện nhân ngày Quốc tế Tưởng niệm Nạn nhân Do Thái trong Thế chiến II ngày 27.1.2021
Discussion chaired by Dr. Hoang Anh Tuan and three panelists: Israeli Ambassador, German Ambassador and Prof. Pham Hong Tung, © German Embassy Hanoi
Vào ngày 27.1, ngày Quốc tế Tưởng niệm Nạn nhân Do Thái trong Thế chiến II, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam và trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội (ĐH KHXHNV) đã cùng tổ chức một sự kiện để tưởng niệm các nạn nhân Do Thái trong Chiến tranh thế giới thứ II tại trường ĐH KHXHNV.
Tại buổi tưởng niệm, Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar, Đại sứ Đức tại Việt Nam TS. Guido Hildner, Hiệu phó trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TS. Hoàng Anh Tuấn và Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam Kamal Malhotra đã tiến hành nghi thức thắp nến tưởng niệm nạn nhân Holocaust tượng trưng, một truyền thống của Israel và người Do Thái trên khắp thế giới.
Tại buổi lễ với sự tham dự của hơn 30 Đại sứ và khoảng 100 sinh viên Việt Nam, bộ phim Đức “Bị tàn sát“ của đạo diễn Andreas Christoph Schmidt đã được trình chiếu. Bộ phim kể về câu chuyện của gia đình góa phụ Rosa Labe và 3 người con ở làng Glambeck, Brandenburg. Từ năm 1938, gia đình Labe bị Đức Quốc xã xé lẻ, bị bóc lột ở nhiều nơi khác nhau, bị đày đi bằng nhiều hình thức khác nhau và cuối cùng bị sát hại. Chặng đường khổ đau của nhà Labe là ví dụ tiêu biểu về những gì các nạn nhân của phát xít Đức đã phải trải qua.
Trong bài phát biểu của mình, đại sứ Israel Eshcar nhấn mạnh sự khác thường của việc khai thác, nô dịch và tiêu diệt có chủ đích và mang tính hệ thống của bộ máy giết chóc của chế độ Quốc xã với hơn 6 triệu người Do Thái. Holocaust là điểm tối trong lịch sử nhân loại. Những sự kiện như thế này không bao giờ được phép lặp lại. Do đó, việc cung cấp thông tin cho những người trẻ tuổi về điều khủng khiếp của Holocaust có ý nghĩa vô cùng quan trọng để họ cảnh giác và kiên quyết phản đối các phong trào phân biệt chủng tộc và bài Do Thái.
Đại sứ Đức Hildner cảm ơn Đại sứ Israel đã gửi lời mời đồng tổ chức sự kiện tưởng niệm Holocaust. Với tư cách là đại sứ Đức, ông là đại diện của quốc gia phải chịu trách nhiệm về Holocaust. Holocaust là một sự xâm phạm nền văn minh, là điểm tối tột cùng trong lịch sử Đức và nó sẽ mãi tồn tại. Cho đến bây giờ ông vẫn tự hỏi mình tại sao điều này lại có thể xảy ra và vẫn chưa tìm thấy câu trả lời.
Ký ức về sự kiện Holocaust và sự tưởng nhớ đến các nạn nhân Holocaust có ý nghĩa vô cùng đặc biệt với nước Đức. Những ký ức này góp phần ngăn ngừa việc tái diễn những tội ác tương tự cũng như việc chối bỏ Holocaust. Việc tưởng niệm các nạn nhân nhằm mục đích tôn vinh phẩm giá của họ và đảm bảo họ sẽ không bị lãng quên.
Với câu hỏi của các sinh viên tại phiên thảo luận sau khi bộ phim kết thúc, Đại sứ Eshcar trả lời dựa trên các trải nghiệm với Holocaust, điều quan trọng với người Do Thái là việc thành lập một nhà nước Israel của riêng họ và không còn phải sống như một nhóm dân tộc thiểu số không có khả năng tự vệ sống rải rác ở nhiều nơi trên thế giới. Đại sứ Hildner giải thích rằng việc ghi nhớ và tưởng niệm Holocaust là một phần quan trọng trong chính trị Đức. Việc đi thăm các trại tập trung trước kia là không phần trong chương trình giáo dục cho học sinh ở trường. Những hòn đá đặc biệt gắn trên mặt đất tại khắp nơi trên nước Đức gợi nhớ lại là tại nơi đó người dân Do Thái đã từng sống hoặc làm việc và đã bị chế độ Quốc xã truy bức, đưa đi đầy và bị giết hại. Ứng xử với Holocaust và ý nghĩa của nó cho đến ngày nay vẫn là một phần quan trọng trong công tác giáo dục.