Chào mừng Quý vị đến với trang web của Bộ Ngoại giao Đức!

Châu Âu cần một chiến lược cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

12.04.2021 - Bài viết

Tương lai của chính trị thế giới đang nằm ở Châu Á. Nước Đức cần hiện diện nhiều hơn tại đây – với một chiến lược Châu Âu dành cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Bài viết của Ngoại trưởng Heiko Maas trên Tạp chí kinh tế Handelsblatt.

Đại dịch đã phá vỡ nhiều điều tưởng chừng như luôn bất biến. Nhưng nó cũng thúc đẩy một xu hướng chính của nền chính trị thế giới: Sự trỗi dậy của Châu Á. Năm 2020, khi kinh tế thế giới lao dốc thì các nền kinh tế như Việt Nam hoặc Trung Quốc lại chứng kiến sự tăng trưởng. Chính một số xã hội trong nhóm cởi mở tại Châu Á đã cho chúng ta thấy cách ngăn chặn vi-rút thành công. Và nếu không có quốc gia xuất khẩu vắc-xin hàng đầu là Ấn Độ thì thế giới sẽ không thể chiến thắng được đại dịch.

Là một nước xuất khẩu, từ lâu chúng ta đã quan sát sự trỗi dậy của Châu Á qua lăng kính cơ hội kinh tế. Tuy nhiên điều đó là chưa đủ trong thế giới ngày nay. Bởi sự trỗi dậy này cuối cùng đã làm nổi bật lên ba phiên bản Châu Á: Đó là một Châu Á quen thuộc của Kinh tế - năng động, cởi mở, kết nối. Đó còn là một Châu Á của Địa chính trị, với các chủ nghĩa dân tộc ngày càng rõ nét hơn, các cuộc xung đột chủ quyền, chạy đua vũ trang và sự đối đầu Mỹ - Trung. Và cuối cùng là một Châu Á của những Thách thức toàn cầu, mà nếu không có nó thì công cuộc toàn cầu hóa một cách công bằng, cuộc chiến chống lại đại dịch hay việc xử lý khủng hoảng khí hậu đều trở nên bất khả thi.

Ba phiên bản Châu Á này ngày càng cản trở nhau: Những cuộc đối đầu địa chính trị đe dọa nền thương mại tự do. Cuộc chiến chống đại dịch biến thành cuộc cạnh tranh hệ thống giữa chế độ dân chủ và chế độ chuyên chế. Sự tăng trưởng bão táp của nền kinh tế đang đẩy nhanh hiện tượng biến đổi khí hậu. Với những động lực này, khu vực giữa bờ đông Châu Phi và bờ tây Châu Mỹ - khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương – sẽ tác động cơ bản tới tương lai thế giới.

Đối với nước Đức, điều đó có nghĩa là: Chúng ta phải đầu tư nhiều hơn vào khu vực này – không chỉ ở khía cạnh kinh tế mà còn cả ở góc độ chính trị. Để thực hiện điều đó, lần đầu tiên chúng ta đã đưa ra các định hướng đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và qua đó chúng ta đề xuất hợp tác với tất cả các nước trong khu vực này: Vì các nền kinh tế cởi mở và thương mại tự do; vì cuộc chiến chống lại đại dịch và biến đổi khí hậu và vì một trật tự bao trùm và dựa trên luật lệ.

Để thúc đẩy được các lợi ích này cần có sức nặng của một Châu Âu thống nhất. Vì vậy, chúng ta đã cùng với Pháp và Hà Lan khởi xướng soạn thảo một chiến lược Châu Âu cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Dự kiến đến cuối năm nay chiến lược này sẽ được hoàn thành. Ngay trong tháng Tư này các Ngoại trưởng chúng tôi sẽ bắt đầu nhóm họp về chủ đề này. Một chiến lược Châu Âu như vậy phải lưu tâm tới cả ba phiên bản Châu Á. Nó cần bắt đầu từ Châu Á của Kinh tế - vì tại đây EU và nước Đức đã có một vị thế tốt. Đối với nhiều nước trong khu vực này, Châu Âu là đối tác thương mại, công nghệ và đầu tư chủ chốt. Chỉ riêng nước Đức đã xuất khẩu một phần năm hàng hóa ngoại thương của mình tới các nước trong khu vực này và hàng triệu việc làm phụ thuộc vào đó.

Đó là lí do vì sao chúng ta cần có nhiều hoài bão hơn nữa trong lĩnh vực thương mại. Mới đây EU đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do mang tính mở đường với Nhật Bản, Singapore và Việt Nam, đặt ra các tiêu chuẩn về kinh tế và xã hội. Cùng với đó, cuối năm 2020 các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á đã tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, bao trùm một phần ba nền kinh tế toàn cầu. Điều đó cho tôi thấy: Nếu chúng ta không chủ động hơn thì những người khác sẽ đề ra luật chơi cho tương lai. Vì vậy đã đến lúc EU cần sớm kết thúc đàm phán về hiệp định thương mại với Australia và New Zealand cũng như đẩy nhanh các cuộc đàm phán với Indonesia và Ấn Độ.

Chỉ như vậy chúng ta mới giảm thiểu được sự phụ thuộc mà chúng ta đã trải qua một cách đau xót trong cuộc khủng hoảng Covid-19. Nguyên tắc ở đây là đa dạng hóa. Trung Quốc vẫn là một đối tác kinh tế chủ chốt của chúng ta nhưng đồng thời chúng ta không được phép lơ là các nền kinh tế phát triển như Nhật Bản và Hàn Quốc hay các thị trường đang tăng trưởng ở Nam Á. Điều này cũng tương tự như đối với Đông Nam Á – Indonesia là nước đối tác của Hội chợ Hannover năm nay.

Cùng với các đối tác của mình trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Châu Âu có thể đặt ra các tiêu chuẩn cho các công nghệ mới, số hóa lấy con người làm trung tâm và kết nối bền vững. Trong đó Châu Âu có thể tận dụng sức mạnh kinh tế và đổi mới sáng tạo cũng như thế mạnh lập pháp của mình. Tại Hội nghị thượng đỉnh EU - Ấn Độ tháng 5 tới, chúng ta dự kiến sẽ thiết lập quan hệ Đối tác kết nối với New Delhi, giúp liên kết nền kinh tế số Ấn Độ và Châu Âu chặt chẽ hơn nữa. Thêm vào đó, chúng ta sẽ tham vấn với chính quyền Tổng thống Mỹ Biden để bảo đảm việc tiếp cận thị trường và các điều kiện đầu tư công bằng. Các bước đi này sẽ tăng cường một Châu Á cởi mở và kết nối, đóng vai trò là động cơ của nền kinh tế thế giới.

Song song với đó, tình hình căng thẳng tại Châu Á của Địa chính trị cũng đang gia tăng. Các cuộc chiến tranh lạnh mới hay thậm chí xung đột nóng tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ là ác mộng về kinh tế và chính trị nếu chúng xảy ra. Chính vì vậy, Châu Âu phải nỗ lực hơn để chống lại sự đa cực hóa và thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bao trùm và dựa trên luật lệ.

Mối quan hệ đối tác chiến lược được thiết lập hồi tháng 12 năm ngoái giữa EU và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đang kết nối chúng ta với các cường quốc tầm trung cùng chí hướng. Mối quan tâm của Đức về hợp tác, vận tải biển tự do và tôn trọng luật pháp quốc tế - ví dụ như các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên - được chúng ta khẳng định qua việc cử tàu Hải quân Đức tới khu vực này và tham gia Hiệp định hợp tác chống cướp biển tại Châu Á. Và hôm thứ 3 vừa qua, lần đầu tiên Bộ trưởng Quốc phòng Annegret Kramp-Karrenbauer và tôi đã họp bàn với các đồng nghiệp Nhật Bản về các thách thức đối với nền thương mại tự do và an ninh tại khu vực.

Ngăn chặn các cuộc đối đầu địa chính trị tại Châu Á cũng là một điều kiện để kiến tạo tương lai với một Châu Á của các Thách thức toàn cầu. Là các quốc gia có lượng khí thải CO2 lớn nhất, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và EU chỉ có thể giành được thắng lợi trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu khi đồng hành cùng nhau. Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu do Hoa Kỳ tổ chức trong tuần sau sẽ tạo tiền đề cho sự hợp tác này. Là các nhà đầu tư lâu năm cho năng lượng tái tạo, bảo vệ khí hậu và đa dạng sinh học, Đức và Châu Âu cũng sẽ hưởng lợi từ việc đó.

Trong cuộc chiến chống lại vi-rút, Châu Âu và các nước trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng cần tới nhau. Chúng ta đang theo đuổi các giải pháp đa phương. Chính vì vậy, Liên minh Châu Âu là nhà tài trợ lớn nhất, vượt xa các nhà tài trợ khác, cho Cơ chế tiếp cận vắc-xin toàn cầu COVAX. Là nước sản xuất vắc-xin hàng đầu, Ấn Độ là nhà cung cấp quan trọng nhất của COVAX. Tất cả chúng ta đều hưởng lợi từ điều này – Bởi nếu không có chiến dịch tiêm vắc-xin toàn cầu thì chúng ta không thể chiến thắng các biến chủng vi-rút trong cuộc chiến chống lại đại dịch hiện nay.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Châu Âu sẽ dấn thân vì nhân quyền và dân chủ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Điều này đã được chúng ta thể hiện qua các biện pháp trừng phạt mới đây với những người chịu trách nhiệm về các vi phạm nhân quyền tại Tân Cương cũng như các tướng lĩnh tại Myanmar, những người đã đưa đất nước mình tới bờ vực nội chiến. Điều hiển nhiên là những nỗ lực này luôn đi kèm với các tổn thất về tài chính. Nhưng đối với chúng ta, sự đáng tin cậy và trung thành với các nguyên tắc của mình luôn là kim chỉ nam quan trọng trong nền chính trị thế giới.

Tương lai của Châu Á sẽ do người dân nơi đó quyết định. Châu Âu luôn sẵn sàng cho một mối quan hệ đối tác mới: Qua việc chúng ta luôn tìm kiếm sự trao đổi với một Châu Á cởi mở của Kinh tế, cùng ngăn chặn sự đối đầu địa chính trị tại Châu Á và cùng Châu Á của những Thách thức toàn cầu đưa ra các câu trả lời cho tương lai. Đây phải là mục tiêu trong chính sách của Châu Âu – dành cho Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và cùng với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Handelsblatt.com

Quay về đầu trang