Chào mừng Quý vị đến với trang web của Bộ Ngoại giao Đức!
Thị thực đi du học đại học tại Đức
International students, © colourbox.de
Những giấy tờ cần nộp trong thủ tục xin cấp thị thực:
Đề nghị Quý vị nộp bản gốc và một bản photo không công chứng những giấy tờ sau. Đề nghị Quý vị soạn những giấy tờ photo thành một bộ hồ sơ đầy đủ. Quý vị sẽ nhận lại các bản gốc sau khi xét duyệt xong hồ sơ.
Đề nghị Quý vị nộp kèm bản dịch tất cả những giấy tờ không bằng tiếng Đức (trừ những giấy tờ bằng tiếng Anh).
Đề nghị Quý vị sắp xếp các bộ hồ sơ theo thứ tự sau đây:
- Tờ khai xin cấp thị thực quốc gia (thị thực dài hạn), được khai đầy đủ và có chữ ký của người nộp đơn (tờ khai trực tuyến „Videx“ ).
- Hai ảnh hộ chiếu sinh trắc học, cỡ 45 mm x 35mm ( Hướng dẫn về ảnh chụp xin cấp thị thực PDF / 554 KB ). Đề nghị Quý vị dán 1 ảnh vào tờ khai xin cấp thị thực và nộp 1 ảnh để rời.
- Hộ chiếu có giá trị (hoặc giấy tờ thay thế hộ chiếu được công nhận).
- Giấy tờ riêng biệt đối với các trường hợp nhập học đại học trực tiếp, học dự bị đại học hoặc xin nhập học đại học tại Đức:
a) Hồ sơ xin cấp thị thực cho mục đích nhập học đại học trực tiếp cần có các giấy tờ sau:
I. Thư mời nhập học không kèm theo điều kiện của một trường đại học tại Đức.
II. Nếu không có chứng chỉ APS:
Nộp bằng tốt nghiệp đại học hoặc bằng cao học.
III. Nếu trong quá trình xét tuyển vào đại học nhà trường không kiểm tra trình độ ngoại ngữ:
Chứng minh trình độ ngoại ngữ cần thiết cho ngành học cụ thể bằng cách nộp chứng chỉ ngoại ngữ do một cơ sở tổ chức thi được cấp phép theo tiêu chuẩn của Hiệp hội khảo thí ngôn ngữ châu Âu (ALTE) cấp (thông thường phải có ít nhất trình độ ngoại ngữ bậc B2 theo Khung tham chiếu chung về ngôn ngữ của châu Âu).
Chứng chỉ ngoại ngữ phải được cấp trong vòng 12 tháng gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ. Cũng xin lưu ý rằng nếu bài thi chứng chỉ ngoại ngữ bao gồm các mô-đun khác nhau, thì Quý vị phải thi tất cả các mô-đun này tại cùng một cơ sở tổ chức thi. Việc thi các mô-đun khác nhau tại các cơ sở tổ chức thi khác nhau không đáp ứng được yêu cầu về chứng minh trình độ tiếng Đức.
IV. Sinh viên trao đổi phải nộp thỏa thuận hợp tác giữa trường đại học Việt Nam và trường đại học Đức.
b) Hồ sơ xin cấp thị thực cho mục đích học dự bị đại học cần có các giấy tờ sau:
I. Thư mời nhập học kèm theo điều kiện của một trường dự bị đại học hoặc chứng nhận về việc sẽ học một khóa tiếng Đức để chuẩn bị học đại học.
II. Chứng minh trình độ ngoại ngữ cần thiết cho khóa học dự bị đại học bằng cách nộp chứng chỉ ngoại ngữ do một cơ sở tổ chức thi được cấp phép theo tiêu chuẩn của Hiệp hội khảo thí ngôn ngữ châu Âu (ALTE) cấp (thông thường phải có ít nhất trình độ ngoại ngữ bậc B1 theo Khung tham chiếu chung về ngôn ngữ của châu Âu).
Chứng chỉ ngoại ngữ phải được cấp trong vòng 12 tháng gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ. Cũng xin lưu ý rằng nếu bài thi chứng chỉ ngoại ngữ bao gồm các mô-đun khác nhau, thì Quý vị phải thi tất cả các mô-đun này tại cùng một cơ sở tổ chức thi. Việc thi các mô-đun khác nhau tại các cơ sở tổ chức thi khác nhau không đáp ứng được yêu cầu về chứng minh trình độ tiếng Đức.
c) Hồ sơ xin cấp thị thực cho mục đích xin nhập học đại học cần có các giấy tờ sau:
I. Giấy chứng nhận đã đăng ký một suất học tại một trường đại học HOẶC
Giấy chứng nhận đã xin nhập học HOẶC
„Thông báo cuối cùng“ của Cơ quan thẩm định hồ sơ xin học đại học/cao đẳng (UNI-ASSIST) HOẶC
Giấy báo dự kỳ thi đầu vào của một trường dự bị đại học.
II. Chứng minh trình độ ngoại ngữ trong ngôn ngữ giảng dạy bằng cách nộp chứng chỉ ngoại ngữ do một cơ sở tổ chức thi được cấp phép theo tiêu chuẩn của Hiệp hội khảo thí ngôn ngữ châu Âu (ALTE) cấp (thông thường phải có ít nhất trình độ ngoại ngữ bậc B1 theo Khung tham chiếu chung về ngôn ngữ của châu Âu). Chứng chỉ ngoại ngữ phải được cấp trong vòng 12 tháng gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ. Cũng xin lưu ý rằng nếu bài thi chứng chỉ ngoại ngữ bao gồm các mô-đun khác nhau, thì Quý vị phải thi tất cả các mô-đun này tại cùng một cơ sở tổ chức thi. Việc thi các mô-đun khác nhau tại các cơ sở tổ chức thi khác nhau không đáp ứng được yêu cầu về chứng minh trình độ tiếng Đức.
5. Chứng chỉ hoặc chứng nhận APS
Chỉ không phải nộp nếu có thư mời nhập học không kèm theo điều kiện của một trường đại học tại Đức.
6. Chứng chỉ TestAS
Không cần nộp nếu có chứng chỉ APS và/hoặc thư mời nhập học không kèm theo điều kiện của một trường đại học tại Đức.
7. Lý lịch theo trình tự thời gian liên tục
Đặc biệt phải trình bày quá trình đào tạo hoặc nghề nghiệp từ trước đến nay.
8. Một bản trình bày động cơ
Tự viết trình bày động cơ đối với dự định du học.
9. Chứng minh khả năng tài chính
Kể từ ngày 01/9/2024 phải chứng minh có ít nhất 992 Euro mỗi tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian lưu trú (đối với người xin nhập học đại học là 1081 Euro mỗi tháng). Phải có bằng chứng về khả năng tài chính cho một năm, có nghĩa phải chứng minh được là có 11.904 Euro. Người xin nhập học đại học phải chứng minh khả năng tài chính cho thời gian xin nhập học (tối thiểu 3 tháng).
Về nguyên tắc có thể chứng minh bằng:
a) Giấy cam kết bảo lãnh theo quy định của điều 66, 68 Luật cư trú: Chứng minh người thứ ba đảm nhận chi phí liên quan đến mục đích lưu trú bằng Giấy cam kết bảo lãnh theo mẫu quốc gia (Quý vị có thể hỏi thông tin chi tiết tại Sở Ngoại kiều nơi cư trú của người đứng ra cam kết - người cam kết cư trú lâu dài ở nước ngoài có thể đến viết cam kết tại Cơ quan đại diện của Đức có thẩm quyền đối với nơi cư trú của người đó).
HOẶC
b) Mở một tài khoản phong tỏa: Trong quá trình xin cấp thị thực có thể chứng minh khả năng trang trải chi phí sinh hoạt bằng cách mở tài khoản phong tỏa. Quý vị được tự lựa chọn ngân hàng để mở tài khoản. Danh sách các ngân hàng cung cấp dịch vụ này trên toàn cầu có trên trang web của Bộ Ngoại giao Đức.
HOẶC
c) Học bổng đủ cao: Văn bản chứng nhận cấp học bổng từ nguồn ngân sách nhà nước của Đức, hoặc học bổng của một tổ chức tài trợ được công nhận tại Đức, hoặc học bổng từ nguồn ngân sách của nước xuất xứ nếu việc giới thiệu sinh viên tới trường đại học Đức thông qua Bộ Ngoại giao Đức, Cơ quan Trao đổi hàn lâm Đức (DAAD) hay một tổ chức cấp học bổng khác của Đức.
10. Chứng nhận có đủ bảo hiểm y tế để nhập cảnh, cho thời gian tối thiểu 3 tháng kể từ ngày nhập cảnh mong muốn.
Ngoài những giấy tờ nêu trên, Cơ quan đại diện CHLB Đức có quyền yêu cầu người nộp đơn bổ sung thêm các giấy tờ hoặc thông tin khác nếu cần thiết.
Miễn trừ trách nhiệm
Tất cả thông tin trong hướng dẫn này dựa trên kiến thức và kinh nghiệm của Cơ quan đại diện ngoại giao tại thời điểm ban hành. Không thể căn cứ vào hướng dẫn này để đưa ra khiếu nại pháp lý.
Chúng tôi không thể đảm bảo với quý vị rằng hồ sơ xin cấp thị thực sẽ được giải quyết trong một thời hạn nhất định, bởi vì đối với hồ sơ xin cấp loại thị thực này cần có sự chấp thuận của Sở Ngoại kiều có thẩm quyền tại Đức. Việc xử lý hồ sơ thường kéo dài ít nhất 6 tuần; phần lớn các hồ sơ được giải quyết trong vòng 3 tháng. Tuy nhiên trong trường hợp riêng biệt, việc xử lý hồ sơ cũng có thể kéo dài lâu hơn.