Chào mừng Quý vị đến với trang web của Bộ Ngoại giao Đức!
Đại sứ Hildner bàn giao dự án bảo tồn văn hóa Đức-Việt tiếp theo tại điện Phụng Tiên ở Hoàng thành Huế
Gruppenfoto vor dem Phung Tien Projekt/ Chụp ảnh tập thể trước quần thể điện Phụng Tiên, © Hue Monument Conservation Centre
Nhân dịp chuyến thăm đầu tiên tại cố đô Huế, Đại sứ Hildner đã tham dự lễ hoàn công giai đoạn tiếp theo của dự án hợp tác quan trọng Đức-Việt “Bảo tồn, trùng tu và phục chế ảo, kết hợp chương trình đào tạo tại điện Phụng Tiên, Đại nội Huế”.
Tham dự lễ hoàn công có giám đốc trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế ông Võ Lê Nhật, trưởng dự án lâu năm người Đức, đại diện Hội Bảo tồn Di sản Văn hóa Đức bà Andrea Teufel và các cán bộ trực tiếp tham gia vào việc triển khai dự án.
Đại sứ Hildner giải thích các công trình nghệ thuật và xây dựng tại Huế và các địa điểm lịch sử khác ở Việt Nam đại diện cho nền văn hóa và truyền thống lâu đời hàng thế kỷ của Việt Nam. Chúng truyền đạt lại thông tin về cuộc sống của các tiền nhân trong quá khứ đến các thế hệ ngày nay, người dân Việt Nam cũng như các khách du lịch đến từ khắp nơi trên thế giới.
Từ nhiều năm nay Đại sứ quán Đức hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia và các cơ quan của Việt Nam trong công tác bảo tồn bền vững các công trình xây dựng, các công trình văn hóa trong khuôn khổ chương trình bảo tồn văn hóa của Bộ Ngoại giao CHLB Đức. Thông qua việc kết hợp chương trình đào tạo vào thành một hợp phần của dự án đã góp phần nâng cao chất lượng của các hoạt động bảo tồn trùng tu dự án.
BẢO TỒN, TRÙNG TU VÀ PHỤC CHẾ ẢO, KẾT HỢP CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TẠI ĐIỆN PHỤNG TIÊN, ĐẠI NỘI HUẾ
GIỚI THIỆU VỀ CÔNG TRÌNH
Với diện tích 3,3 ha, 'Điện Phụng Tiên' tọa lạc bên trong Đại Nội gồm 4 tòa nhà, hệ thống cổng, các am thờ, tường bao, lối đi và các công trình phụ. Đây là một trong những ngôi điện quan trọng nhất cho đến khi bị phá hủy vào năm 1947. Được thiết kế để phục vụ mục đích nghi lễ, trong quần thể này chỉ còn hệ thống tường bao quanh với bức bình phong hậu, năm chiếc cổng, nền móng của ngôi điện và một số tàn tích là được gìn giữ.
DỰ ÁN
Mục tiêu của dự án trùng tu và đào tạo trong nhiều năm này là trùng tu tổng thể khu vực điện Phụng Tiên theo quan điểm bảo tồn di tích đương đại. Trong quá trình này, các công trình còn lại sẽ được trùng tu từng bước thông qua việc bảo tồn về mặt khảo cổ học và tiếp đó, toàn bộ quần thể sẽ được phục chế tại chỗ. Công tác bảo tồn và trùng tu được thực hiện theo tiêu chuẩn của UNESCO, kết hợp sử dụng các kỹ thuật, vật liệu truyền thống với công nghệ bảo tồn hiện đại và sáng tạo. Trong giai đoạn 2017-2018, dự án bắt đầu với việc trùng tu một số công trình ở cổng chính (cổng, bình phong và bể cạn) với 8 học viên. Tiếp theo vào năm 2019, chiếc cổng đầu tiên trong số 5 cổng phụ đã được các học viên tự trùng tu, như là một bài kiểm tra cuối khóa. Vào năm 2020, dự án được tiếp tục với một nhóm học viên cũ và mới sẽ trùng tu hai chiếc cổng và bức tường kết nối của chúng.
Từ năm 2020, hoạt động của dự án sẽ được mở rộng với các khóa học cho học sinh và sinh viên nhằm nâng cao nhận thức về di sản kiến trúc của Huế, một di sản UNESCOđộc đáo, và giảng dạy về các phương pháp bảo tồn di sản này.
Từ năm 2021 trở đi, các cuộc điều tra khảo cổ và nghiên cứu về thiết kế kiến trúc trước đây, cũng như vai trò về mặt lễ nghi của điện sẽ được tiến hành. Kết quả nghiên cứu này sẽ được sử dụng để tiến hành hoạt động phục chế ảo từ năm 2022 trở về sau, giúp tất cả du khách có thể dễ dàng hiểu và trải nghiệm theo một cách đầy sáng tạo. Ý tưởng “bảo tồn, trùng tu và phục chế ảo” này, vốn còn mới đối với Việt Nam, có thể là điển hình cho các khu di sản văn hóa khác.
Giai đoạn 1: 09/2017 - 11/2018, Giai đoạn II: 01 - 02/2019, Giai đoạn III: 10/2020 - 02/2021, Giai đoạn IV: từ 05/2021 trở về sau