Chào mừng Quý vị đến với trang web của Bộ Ngoại giao Đức!
Bài viết của Đại sứ Guido Hildner cho Đặc san Báo Thế giới & Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và CHLB Đức
Botschafter Hildner und PM Phuc/ Đại sứ Hildner và Thủ tướng Phúc, © TTXVN-VNA
Đức và Việt Nam: Quan hệ đối tác chiến lược sống động
Năm 2020 Đức và Việt Nam kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Cho dù quan hệ nhà nước giữa hai nước có lịch sử lâu đời hơn, nhưng lần kỷ niệm này là một dịp tốt để đánh giá mối quan hệ.
Ấn phẩm này được xuất bản đúng lúc, vì nhiều hoạt động kỷ niệm đã được lên kế hoạch ở Đức và Việt Nam rất tiếc đã không thể thực hiện được vì đại dịch COVID-19.
Như vậy năm kỷ niệm 2020 cũng sẽ đi vào mối quan hệ song phương của chúng ta như là năm của đại dịch COVID-19 với những hậu quả đầy kịch tính của nó. Những quy tắc ứng xử và biện pháp khác lạ như giãn cách xã hội, bắt buộc đeo khẩu trang, cấm đi lại và cách ly đột nhiên trở thành hiện thực đối với hàng triệu người trên thế giới, cả ở Đức và Việt Nam. Việt Nam đã hỗ trợ một số nước, trong đó có Đức bằng cách gửi tặng khẩu trang và qua đó đã đưa ra một tín hiệu khích lệ tình đoàn kết quốc tế giữa cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Đại dịch COVID-19 và những tác động của nó nhấn mạnh một cách khẩn thiết là hợp tác quốc tế quan trọng như thế nào. Chỉ cùng nhau chúng ta mới chiến thắng được đại dịch.
Tăng cường và phát triển hợp tác quốc tế, các cơ cấu, thể chế và cơ chế của nó là trọng tâm to lớn đối với Đức cũng như đối với Việt Nam. Hai nước nỗ lực cho một trật tự quốc tế dựa trên quy tắc, cho chủ nghĩa đa phương, cho việc gìn giữ luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, cho tự do trên biển và tự do thương mại. Năm 2020 hai nước đảm nhận những trọng trách đặc biệt. Hai nước là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Việt Nam là chủ tịch ASEAN, Đức là chủ tịch luân phiên EU trong nửa cuối năm nay.
Quan hệ song phương tốt đẹp và sâu sắc trong năm kỷ niệm này là kết quả của 45 năm nỗ lực hợp tác định hướng tới tương lai của các chính phủ, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các trường đại học và nhất là của cả những con người đến từ Đức và từ Việt Nam đứng sau các chính phủ, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các trường đại học đó. Họ là những người đã và đang không ngừng đổi mới quan hệ của chúng ta và giúp chúng ta cùng nhau xử lý những vấn đề tương lai quan trọng.
Biến đổi khí hậu là một thách thức chung như vậy. Bảo vệ môi trường và cung cấp năng lượng thông qua phát triển mạnh mẽ các loại năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng là những trọng tâm của các nỗ lực hợp tác phát triển của Đức tại Việt Nam. Đào tạo và khoa học là những lĩnh vực hợp tác tiếp theo. Đức hỗ trợ quá trình cải cách hệ thống đào tạo nghề tại Việt Nam. Luật nhập cư nhân lực lao động chuyên môn của Đức có hiệu lực từ tháng 3/2020 mở ra những khả năng việc làm mới, hấp dẫn tại Đức cho nhân lực lao động chuyên môn Việt Nam.
Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đại học là những đầu tư quan trọng vào tương lai. Hiện nay có khoảng 7.500 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Đức. 163 dự án hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học Đức và Việt Nam bảo đảm một sự trao đổi tri thức và công nghệ giữa hai bên. Cơ quan Trao đổi hàn lâm Đức với trụ sở ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ và thúc đẩy sự hợp tác này bằng các học bổng và chương trình trao đổi. Tại 8 trường Pasch (chương trình Trường học: Đối tác của tương lai) do Ủy ban giáo dục phổ thông Đức ở nước ngoài hỗ trợ ở Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 2.000 học sinh Việt Nam đang học tiếng Đức. Viện Goethe tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thúc đẩy một cuộc đối thoại liên văn hóa sống động và hiện đại bằng các chương trình và hoạt động đổi mới. Ngoài ra trong khuôn khổ chương trình bảo tồn văn hóa của Bộ Ngoại giao Đức và với sự hợp tác chặt chẽ của các cơ quan, chính quyền Việt Nam đã thực hiện được các dự án bảo tồn và phục chế tại các địa danh lịch sử văn hóa, mới đây nhất là tại điện Phụng Tiên trong „Quần thể di tích Cố đô Huế“, một di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, và qua đó góp một phần quan trọng vào công tác bảo tồn di tích văn hóa tại Việt Nam. Trường Đại học Việt-Đức là một dự án hải đăng tiên phong của hai nước chúng ta đối với việc phát triển và làm sâu sắc hơn trong tương lai quan hệ hợp tác khoa học và công nghệ. Trường được thành lập năm 2008 và là trường đại học Việt Nam đầu tiên được thành lập với sự tham gia của nước ngoài. Sắp tới đây trường sẽ chuyển đến một Campus mới với cơ sở hạ tầng hiện đại nhất.
Quan hệ kinh tế chiếm một vị thế quan trọng trong quan hệ hợp tác song phương và được tăng cường liên tục. Đức là đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trong EU. Năm 2018 giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt 11,7 tỉ USD, giá trị xuất khẩu của Đức sang Việt Nam đạt 4,9 tỉ USD. Các nhà đầu tư Đức đã đầu tư vào Việt Nam hơn 2,3 tỉ USD với một hàm lượng rất cao các công nghệ hiện đại nhất. Khoảng 300 doanh nghiệp Đức có cơ sở tại Việt Nam. „Ngôi nhà Đức“ mới tại Thành phố Hồ Chí Minh là một bản tuyên ngôn đầy ấn tượng cho sự hiện diện của Đức tại Việt Nam. Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam có hiệu lực từ ngày 01/8 sẽ thúc đẩy những khuynh hướng phát triển này.
Năm nay chúng ta không chỉ hướng đến dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao của chúng ta. Năm 2020 Đức và Việt Nam đều kỷ niệm một sự kiện nổi bật và có một không hai trong lịch sử của mỗi nước chúng ta. Chúng ta nhớ lại cuộc chiến tranh tại Việt Nam kết thúc cách đây 45 năm và nhớ lại nước Đức được tái thống nhất cách đây 30 năm. Hai sự kiện lịch sử này đã làm cho người dân và các gia đình của hai nước Việt Nam và Đức bị chia cắt hồi đó được đoàn tụ và tạo ra những triển vọng cho một tương lai chung.
Một nhịp cầu tuyệt vời giữa nhân dân hai nước được xây dựng bởi những người dân của nước này đang sống ở nước kia: cộng đồng người Đức ở Việt Nam và cộng đồng lớn hơn nhiều của người Việt Nam ở Đức. Cả hai cộng đồng đang tiếp tục phát triển. Bằng mối quan hệ và sáng kiến của bản thân, họ, cũng như các quan hệ đối tác hiện nay giữa các trường học và thành phố hai nước, đang gìn giữ và thúc đẩy sự giao lưu trực tiếp rất quan trọng giữa người dân của hai nước.
Những mối quan tâm chung của hai nước chúng ta mạnh mẽ như vậy, nên năm 2011 hai chính phủ đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Quan hệ đối tác chiến lược này hiện nay được cụ thể hóa bằng Kế hoạch hành động chiến lược hai năm 2020/2021.
Nhiều bài viết trong ấn phẩm do Bộ Ngoại giao Việt Nam khởi tạo này không chỉ làm sáng tỏ sự phát triển đầy ấn tượng của quan hệ Đức-Việt trên các bình diện chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học, cũng như trong hoạt động của xã hội trong thời gian kỷ niệm, mà còn chỉ ra nhiều triển vọng cho những lĩnh vực hợp tác trong tương lai.
Tôi chúc bạn đọc có được niềm vui và hứng thú khi đọc.
TS. Guido Hildner
Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức