Chào mừng Quý vị đến với trang web của Bộ Ngoại giao Đức!

Thị thực cho cha mẹ đoàn tụ gia đình với con mang quốc tịch Đức

Vater mit Baby im Arm

Vaterschaftsanerkennung, © Zoonar.com/Margarita Borodina

Bài viết

Cha mẹ có quyền nuôi dưỡng có thể xin thị thực đoàn tụ gia đình với con mang quốc tịch Đức. Quý vị vui lòng xem thông tin tại đây.

Thông tin tổng quát

Nếu quý vị có quyền nuôi dưỡng con mang quốc tịch Đức, thì có thể xem thông tin về thị thực đoàn tụ gia đình với con mang quốc tịch Đức tại đây.

Về nguyên tắc cha mẹ chỉ có thể đoàn tụ gia đình với con, chừng nào người con chưa đủ tuổi thành niên. Nếu người con không có quốc tịch Đức, thì cha mẹ chỉ có thể đoàn tụ với con trong những trường hợp ngoại lệ đặc biệt.

Trái ngược với trường hợp đoàn tụ gia đình với vợ/chồng, người đoàn tụ gia đình với con mang quốc tịch Đức không phải chứng minh trình độ tiếng Đức.

Những giấy tờ phải nộp

Trong tờ khai, quý vị cần cung cấp tất cả thông tin về việc nhập cảnh và lưu trú tại Đức. Quý vị vui lòng điền tờ khai đầy đủ, in ra và tự ký tờ khai.

Liên kết đến tờ khai trực tuyến „VIDEX“.

Hai ảnh hộ chiếu sinh trắc học mới chụp (45mm x 35mm)

Quý vị vui lòng xem thông tin về ảnh hộ chiếu sinh trắc học tại đây: Hướng dẫn về ảnh chụp xin cấp thị thực PDF / 554 KB

Quý vị vui lòng dán 1 ảnh vào tờ khai xin cấp thị thực và nộp 1 ảnh để rời.

Hộ chiếu phải còn ít nhất 2 trang trống (trong trường hợp được cấp thị thực, thì tem thị thực của quý vị sẽ được dán vào đó).

Quý vị vui lòng nộp bản gốc và một bản sao không công chứng những giấy tờ nêu dưới đây. Quý vị vui lòng soạn những bản sao giấy tờ thành một bộ hồ sơ đầy đủ. Quý vị sẽ nhận lại các bản gốc sau khi giải quyết xong hồ sơ.

Tất cả những giấy tờ không bằng tiếng Đức hoặc tiếng Anh phải có bản dịch sang tiếng Đức kèm theo.

Quý vị vui lòng sắp xếp các bộ hồ sơ theo thứ tự sau đây:

Giấy khai sinh Việt Nam phải được hợp pháp hóa lãnh sự trước (xem hướng dẫn tại đường Link: Hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ Việt Nam).

Trường hợp ngoại lệ: Giấy khai sinh Đức thì không phải hợp pháp hóa lãnh sự.

Nếu con chưa sinh ra, quý vị vui lòng xem thông tin hướng dẫn bên dưới.

Để chứng minh quốc tịch Đức của con, quý vị có thể nộp một hoặc nhiều giấy tờ trong các loại giấy tờ sau: bản sao hộ chiếu Đức, thẻ căn cước Đức, giấy khai sinh Đức, thẻ quốc tịch Đức, giấy chứng nhận nhập quốc tịch Đức.

Giấy xác nhận đăng ký cư trú Đức của con tại Đức (cấp trước ngày nộp hồ sơ không quá 6 tháng)

Trường hợp ngoại lệ: Nếu con chưa sống ở Đức hoặc chưa sinh ra, thì không phải nộp giấy xác nhận đăng ký cư trú Đức. Trong trường hợp đó quý vị vui lòng cung cấp thông tin về nơi dự kiến cư trú tại Đức.

Người sang đoàn tụ gia đình với con mang quốc tịch Đức phải có quyền nuôi dưỡng đứa trẻ.

Tùy thuộc vào hoàn cảnh của cha mẹ đứa trẻ, có thể chứng minh quyền nuôi dưỡng con bằng những giấy tờ khác nhau.

a)       Cha mẹ có đăng ký kết hôn:

Thông thường cha mẹ có đăng ký kết hôn sẽ có chung quyền nuôi dưỡng con.

Trong trường hợp này, để chứng minh quyền nuôi dưỡng con cần nộp: Giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ trẻ em.

Giấy chứng nhận kết hôn Việt Nam phải được hợp pháp hóa lãnh sự trước Hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ Việt Nam

b)       Cha mẹ không đăng ký kết hôn và con được sinh ra tại Việt Nam:

Nếu trong giấy khai sinh Việt Nam của con có ghi thông tin của cả cha và mẹ, thì về nguyên tắc không cần phải nộp thêm giấy tờ khác để chứng minh quyền nuôi dưỡng con. Chỉ cần nộp giấy khai sinh là đủ.

c)       Cha mẹ không đăng ký kết hôn và con được sinh ra tại Đức:

Việc công nhận quan hệ cha con theo luật Đức không có nghĩa là cha mẹ sẽ đương nhiên có chung quyền nuôi dưỡng con. Cả cha và mẹ phải đưa ra tuyên bố rõ ràng về quyền nuôi dưỡng con. Tuyên bố này phải được lập thành văn bản và được công chứng. Nếu trong văn bản công nhận quan hệ cha con và bản tuyên bố cho cha nhận con của người mẹ không đề cập tới quyền nuôi dưỡng con, thì phải nộp văn bản công chứng riêng về quyền nuôi dưỡng con.

Quý vị cần nộp bản sao hộ chiếu của bên cha, mẹ mang quốc tịch Đức. Nếu bên cha, mẹ đó từng đến Việt Nam trong những năm qua, vui lòng nộp cả bản sao các trang hộ chiếu có dấu xuất nhập cảnh.

Trong trường hợp được cấp thị thực, quý vị mới phải nộp chứng nhận bảo hiểm y tế có giá trị trong thời hạn hiệu lực của thị thực. Phòng thị thực sẽ thông báo qua điện thoại cho quý vị biết.

Giấy tờ thay thế trong trường hợp con chưa sinh ra:

Trong giấy chứng nhận phải có thông tin về ngày dự kiến sinh con.

Do con chưa sinh ra chưa có giấy khai sinh, nên phải chứng minh ai là cha mẹ theo pháp luật của đứa trẻ.

a)       Cha mẹ có đăng ký kết hôn:

Trong trường hợp này, để chứng minh cần nộp: Giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ trẻ em.

Giấy chứng nhận kết hôn Việt Nam phải được hợp pháp hóa lãnh sự trước (xem hướng dẫn tại đường Link: Hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ Việt Nam).

b)       Cha mẹ không đăng ký kết hôn

  • Tuyên bố nhận con của người cha và tuyên bố cho cha nhận con của người mẹ. Cả hai tuyên bố này phải được lập thành văn bản và được công chứng.
  • Nếu người cha của đứa trẻ sang đoàn tụ thì phải nộp cả bản tuyên bố về quyền nuôi dưỡng con (xem mục „Bằng chứng về quyền nuôi dưỡng con“ ở trên).  

Trong từng trường hợp, để giải quyết hồ sơ thị thực, có thể chúng tôi cần quý vị nộp thêm những giấy tờ khác.

Đặt hẹn nộp hồ sơ

Quý vị phải trực tiếp đến nộp hồ sơ tại Đại sứ quán/Tổng lãnh sự quán. Quý vị có thể đặt hẹn nộp hồ sơ thị thực tại đây: Link

Lệ phí

Cha mẹ của trẻ em chưa đủ tuổi thành niên mang quốc tịch Đức được miễn lệ phí thị thực.

Thời gian giải quyết hồ sơ

Chúng tôi không thể đảm bảo một thời hạn giải quyết hồ sơ nhất định, bởi vì trong quá trình này phải có sự tham gia của Sở Ngoại kiều nơi dự kiến cư trú tại Đức và Đại sứ quán/Tổng lãnh sự quán không thể tác động đến thời gian xử lý hồ sơ của cơ quan này. Chỉ sau khi nhận được trả lời từ Đức, Đại sứ quán/Tổng lãnh sự quán mới có thể giải quyết và đưa ra quyết định về hồ sơ thị thực. Thời gian xử lý hồ sơ của Sở Ngoại kiều thường ít nhất là 3 tháng, tuy nhiên trong một số trường hợp riêng biệt có thể lâu hơn đáng kể.

Trong thời gian 3 tháng xử lý hồ sơ, quý vị vui lòng không hỏi về tình trạng hồ sơ. Thư hỏi về tình trạng hồ sơ gây thêm đáng kể việc cho Phòng thị thực và vì vậy sẽ không được trả lời.

Sau khi nhập cảnh vào Đức

Mọi người sống ở Đức đều phải đăng ký cư trú. Quý vị nên thực hiện việc này trong vòng 2 tuần kể từ khi tới Đức tại Phòng đăng ký cư trú hoặc Phòng dịch vụ công.

Sau khi nhập cảnh, quý vị cần liên hệ với Sở Ngoại kiều nơi cư trú tại Đức để xin cấp giấy phép cư trú.

Miễn trừ trách nhiệm

Tất cả thông tin trong hướng dẫn này dựa trên kiến thức và kinh nghiệm của Cơ quan đại diện ngoại giao tại thời điểm ban hành. Không thể căn cứ vào hướng dẫn này để đưa ra khiếu nại pháp lý.

Quay về đầu trang