Chào mừng Quý vị đến với trang web của Bộ Ngoại giao Đức!
Khu lăng mộ vua Tự Đức
Vị hoàng đế thứ tư của triều Nguyễn, vua Tự Đức đã sớm chọn cho mình nơi yên nghỉ cuối cùng tọa lạc ở một vị trí đặc biệt bao quanh là các rừng thông rộng lớn, các đảo và hồ nhỏ.
Vị hoàng đế thứ tư của triều Nguyễn, vua Tự Đức đã sớm chọn cho mình nơi yên nghỉ cuối cùng tọa lạc ở một vị trí đặc biệt bao quanh là các rừng thông rộng lớn, các đảo và hồ nhỏ. Khu lăng mộ của ông là một thế giới bao bọc bởi sự tĩnh lặng, thiên nhiên và sự hài hòa trong quần thể kiến trúc cố đô Huế. Nằm ở vị trí ven rìa cố đô, lăng Tự Đức là một di sản văn hóa đặc biệt của Việt Nam và có thể coi là khu mộ đẹp nhất và toàn vẹn nhất trong số bảy khu lăng mộ của các vị vua nhà Nguyễn.
Khu mộ được xây hoàn chỉnh vào năm 1867 và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới từ năm 1993. Lăng Tự Đức đã vượt qua các cuộc chiến tranh một cách nguyên vẹn. Do khí hậu khắc nghiệt, việc gìn giữ bị bỏ bê và số lượng khách du lịch ghé thăm mỗi ngày một tăng nên công trình nghệ thuật độc nhất vô nhị này đã bị hư hại nghiêm trọng. Những hư hại nặng nề nhất là tại khu vực bửu thành môn, cổng vào khu lăng mộ và bức bình phong ở phía sau bảo vệ giấc ngủ của cố vương trước các cơn gió và linh hồn, ma quỷ.
Để có thể tiến hành việc bảo tồn và tu tạo quần thể công trình nghệ thuật độc đáo này theo đúng chuẩn mực về chuyên môn, trước tiên các chuyên gia đã tiến hành thẩm định và nghiên cứu các nguyên vật liệu xây dựng truyền thống của Việt Nam tại vị trí bửu thành môn và bức bình phong. Bước tiếp theo là sản xuất lại các vật liệu này với công nghệ bảo tồn hiện đại nhất và sau đó tiến hành phục chế theo quy chuẩn của UNESCO. Song song với công việc phục chế, các nhà bảo tồn, thợ kỹ thuật địa phương cũng được các chuyên gia Đức đào tạo và bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ để có thể tự tiếp tục thực hiện các hoạt động bảo tồn trong các dự án tiếp theo.
Dự án bảo tồn và tu bổ bửu thành môn và bức bình phong tại Lăng Tự Đức đã được thực hiện thành công với sự hợp tác tốt đẹp giữa Đại sứ quán Đức tại Hà Nội và các cơ quan chức năng địa phương với nguồn kinh phí của chương trình Bảo tồn Di sản Văn hóa của Bộ Ngoại giao CHLB Đức. Dự án là phần đóng góp của phía Đức cho phía Việt Nam nhân dịp Festival Huế 2010 và là một trong những dự án hợp tác điển hình trong lĩnh vực bảo tồn văn hóa giữa hai nước và là một minh chứng sinh động cho ý nghĩa của công tác bảo tồn văn hóa và gìn giữ các giá trị truyền thống.