Chào mừng Quý vị đến với trang web của Bộ Ngoại giao Đức!
Hội thảo sáng kiến khí hậu quốc tế cung cấp cái nhìn sâu sắc về lộ trình đưa phát thải ròng về “0“ vào năm 2050, phát triển chống chịu với khí hậu và tác động tích cực đến thiên nhiên
IKI Workshop, © GIZ/Ben Media
Hà Nội, 12/5/2022. Dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris” (SIPA), với vai trò là đầu mối của tất cả các dự án Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI) tại Việt Nam, đã tổ chức hội thảo với chủ đề bao quát: Lộ trình đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050, phát triển chống chịu với khí hậu và tác động tích cực đến thiên nhiên.
Cam kết mới của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26 về mục tiêu đạt được sự trung hòa về khí hậu vào năm 2050 đã đặt ra bối cảnh đầy cảm hứng cho hội thảo, tạo cơ hội cho phép chuyển giao kiến thức và trao đổi về những thách thức chung, cơ hội hợp tác và tiềm năng nhân rộng các dự án IKI giữa các bên tham gia, cụ thể là các đơn vị triển khai IKI, các đối tác Việt Nam và đại diện các nhà tài trợ Đức. “Thay mặt Chính phủ CHLB Đức, chúng tôi đánh giá cao quyết định của Chính phủ Việt Nam trong việc theo đuổi lộ trình hướng tới sự trung hòa về khí hậu cho Việt Nam. Bên cạnh cam kết đạt mức phát ròng bằng “0” tại COP26, chúng tôi cũng rất hoan nghênh các cam kết khác của Việt Nam nhằm tiến tới loại bỏ điện than vào cuối những năm 2040, giảm 30% lượng phát thải khí mê-tan và chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030”, ông Weert Boerner, Phó Đại sứ, Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam phát biểu.
Tổ chức Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI) hiện đang tài trợ cho 39 dự án song phương, khu vực và toàn cầu, trong đó có 7 dự án song phương với số vốn lên đến 24.3 triệu EUR. “Trong khuôn khổ IKI, Việt Nam là một trong những quốc gia trọng điểm của chúng tôi, và chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác tốt đẹp, tin cậy và lâu dài với Việt Nam”, Tiến sĩ Philipp Behrens, Trưởng Ban IKI, các vấn đề chung về hợp tác song phương, Bộ Phát triển Kinh tế và Hành động Khí hậu (BMWK), CHLB Đức.
Các đại diện từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải và Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đã chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về các bước đầu tiên Chính phủ Việt Nam đã thực hiện sau Hội nghị COP26, đồng thời chia sẻ về lộ trình hướng đến tương lai phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam. “Chúng tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ lâu dài từ Chính phủ Đức, đặc biệt là IKI, nhằm hiện thực hóa lộ trình hướng tới tương lai phát thải ròng bằng “0”, chống chịu với khí hậu và tác động tích cực đến thiên nhiên của Việt Nam”, Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam chia sẻ. Vấn đề đa dạng sinh học và sử dụng hiệu quả tài nguyên cũng được chú trọng nhằm phát triển chống chịu với khí hậu và tác động tích cực đến thiên nhiên.
Tiếp nối hội thảo, đoàn đại biểu của Đức sẽ có chuyến thăm thực địa tới một số dự án.