Chào mừng Quý vị đến với trang web của Bộ Ngoại giao Đức!
Phát biểu của Đại sứ Đức TS. Guido Hildner tại tiệc chiêu đãi nhân dịp Quốc khánh Đức vào ngày 3.10.2023
Ansprache vom deutschen Botschafter Dr. Guido Hildner/ Phát biểu của Đại sứ Đức TS. Guido Hildner, © German Embassy Hanoi
Trong bài phát biểu tại cuộc chiêu đãi kỷ niệm Ngày Thống nhất nước Đức Đại sứ Đức TS. Guido Hildner đề cập đến hiện trạng mối quan hệ song phương giữa Đức và Việt Nam.
Ông đặc biệt đề cao sự hợp tác giữa Đức và Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, ứng xử với biến đổi khí hậu và tuyển dụng lao động có tay nghề cao. Sự hiện diện của một phái đoàn lớn từ bang Niedersachsen do Thủ hiến Stephan Weil dẫn đầu là minh chứng cho mối quan hệ theo chiều sâu và chiều rộng giữa Đức và Việt Nam. Đại sứ Hildner cũng phát biểu về việc tăng cường hợp tác chính trị với Việt Nam.
Những thách thức lớn nhất hiện nay trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đang phải đối mặt là cuộc chiến tranh xâm lược của Nga vào Ucraina. Toàn bộ bài phát biểu Quý vị có thể đọc tại đây.
Tôi xin gửi lời chào nồng nhiệt tới tất cả các Quý vị nhân Ngày thống nhất nước Đức. Năm nay, chúng tôi tổ chức Lễ kỷ niệm này lần thứ 33. Sự kiện tái thống nhất nước Đức vào ngày 3 tháng 10 năm 1990 là một trong những thời khắc hạnh phúc nhất trong lịch sử nước Đức. Đối với tất cả người dân Đức, đó vẫn luôn là một lý do để vui mừng.
Năm nay, chúng tôi rất vui mừng khi có một phái đoàn lớn từ bang Niedersachsen do Thủ hiến Stephan Weil dẫn đầu cùng tới tham dự buổi tiệc chiêu đãi này. Chuyến thăm cho thấy chiều rộng và chiều sâu của mối quan hệ giữa Đức và Việt Nam. Mối quan hệ này không chỉ tồn tại giữa Chính phủ hai nước mà còn tồn tại giữa các cơ quan, tổ chức ở các cấp và trên toàn quốc. Nhưng trên hết là mối quan hệ giữa người dân hai nước.
Thúc đẩy kinh tế là mối quan tâm đặc biệt của các bang của Đức trong khuôn khổ các hoạt động đối ngoại của mình. Bang Niedersachsen cũng không phải là ngoại lệ. Phái đoàn đông đảo gồm khoảng 60 thành viên cũng có trọng tâm công tác là lĩnh vực kinh tế.
Mối quan hệ kinh tế Đức - Việt đang phát triển tốt đẹp. Trong năm vừa qua, hoạt động trao đổi thương mại đã được phục hồi sau đại dịch. Kim ngạch thương mại đã tăng lên 18 tỷ Euro. Trong đó, gần 15 tỷ Euro là giá trị hàng hóa Việt Nam được xuất khẩu sang Đức, tăng 37% trong năm 2022.
Chúng tôi muốn tiếp tục tăng cường mối quan hệ kinh tế này. Tôi muốn nêu bật hai lĩnh vực sau đây: Thứ nhất là chuyển đổi năng lượng và thứ hai là tuyển dụng lao động có tay nghề cao.
Từ năm 2009, Đức đã hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng thông qua nhiều dự án cụ thể và chương trình hỗ trợ tài chính. Trọng tâm chính là mở rộng năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Chuyển đổi năng lượng là một dự án then chốt để ứng phó với biến đổi khí hậu. Tất cả các quốc gia đều bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt là Việt Nam. Đức là thành viên tích cực của nhóm G7 plus, nhóm đã thiết lập quan hệ đối tác sâu sắc hơn với Việt Nam nhằm thúc đẩy chuyển đổi năng lượng công bằng (“Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng”). Chúng tôi muốn hỗ trợ Việt Nam một cách sâu rộng.
Chúng tôi mong muốn điều này bởi nước Đức chúng tôi cũng đang cần làm chủ quá trình chuyển đổi năng lượng. Chúng tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình và học hỏi từ kinh nghiệm của các quốc gia khác. Tại lối vào hội trường buổi tiệc hôm nay, chúng tôi có trưng bày một triển lãm nhỏ về quá trình chuyển đổi năng lượng. Qua đó, chúng tôi muốn gửi thông tin và truyền cảm hứng tới Quý vị. Hi vọng rằng Quý vị sẽ bớt chút thời gian ghé xem triển lãm. Niedersachsen là nơi tiên phong trong quá trình chuyển đổi năng lượng tại Đức. Đó là lý do vì sao chúng tôi lựa chọn bức ảnh chụp trang trại năng lượng gió ở Niedersachsen làm phông nền cho sân khấu của sự kiện ngày hôm nay. Một bài học từ kinh nghiệm mà chúng tôi đúc kết được ngay từ thời điểm này đó là: Để thành công, chúng ta cần sự tham gia tích cực của tất cả các bên: Từ các cơ quan chính phủ đến khu vực kinh tế tư nhân cũng như các tổ chức phi chính phủ. Sự đóng góp của họ là không thể thiếu được.
Một lĩnh vực khác cũng có tương lai là tuyển dụng lao động có tay nghề. Do biến đổi nhân khẩu học, Đức cần lực lượng lao động nước ngoài có tay nghề. Để đạt được điều này, chúng tôi đã thay đổi các quy định pháp luật và đơn giản hóa thủ tục nhập cư. Tại Đức có một cộng đồng lớn người Việt, họ hòa nhập tốt và làm việc thành công. Người Việt sinh sống tại khắp nơi ở Đức, trong đó có Niedersachsen. Sự ảnh hưởng của người Việt được thể hiện rõ trong lĩnh vực nhà hàng. Tại hầu hết các thành phố lớn của Đức đều có nhà hàng Việt Nam rất được ưa chuộng.
Chúng tôi muốn tiếp tục thu hút người Việt Nam có trình độ vào thị trường lao động Đức. Hai điều kiện quan trọng đối với việc này là ngôn ngữ và trình độ chuyên môn. Chúng tôi hiện đang thúc đẩy cả hai lĩnh vực này tại Việt Nam. Các khóa học ngôn ngữ được Viện Goethe và nhiều trường phổ thông khác cung cấp, các trường này được Ủy ban Giáo dục phổ thông Đức tại nước ngoài cũng như một số đơn vị khác hỗ trợ. Đào tạo nghề là lĩnh vực trọng tâm trong hợp tác phát triển giữa hai nước trong nhiều năm qua. Trong lĩnh vực học thuật, Đại học Việt Đức là ngọn hải đăng trong quan hệ hợp tác song phương. Trường đã chuyển đến cơ sở mới rất ấn tượng tại tỉnh Bình Dương vào tháng 11 năm ngoái.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Việt Nam trong lĩnh vực chính trị. Mong muốn này được thể hiện trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Olaf Scholz vào tháng 11 năm ngoái. Chúng ta đang chứng kiến những thách thức mà trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đang phải đối mặt. Thách thức lớn nhất hiện nay là cuộc chiến tranh xâm lược của Nga tại Ukraine. Trật tự quốc tế dựa trên luật lệ là điều kiện tiên quyết cho hòa bình và thịnh vượng trên thế giới. Các nhân tố trung tâm của nó được ghi rõ trong Hiến chương Liên hợp quốc. Đó là vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, là việc cấm sử dụng vũ lực và yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Chúng ta phải bảo vệ và gìn giữ các chuẩn mực này. Duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ là mối quan tâm cơ bản của Đức. Chúng tôi cho rằng đó cũng là mối quan tâm của Việt Nam và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong vấn đề này.