Willkommen auf den Seiten des Auswärtigen Amts

Phát biểu của Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong buổi gặp gỡ với báo chí nhân dịp chuyến thăm tại Hà Nội ngày 13.11.2022

Thủ tướng Đức Olaf Scholz gặp gỡ báo chí

Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu trước báo giới sau buổi gặp gỡ với Thủ tướng Phạm Minh Chính, © Bundesregierung/Janine Schmitz

Artikel

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đến thăm thủ đô Hà Nội vào ngày 13.11.2022. Sau buổi hội đàm với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính ông đã có bài phát biểu như sau trong buổi gặp gỡ báo chí cùng với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính.

Thưa Ngài Thủ tướng Phạm Minh Chính, tôi rất cám ơn sự đón tiếp thân thiện tại đây, tại Hà Nội. Điều đó cho thấy, chúng ta coi trọng như thế nào quan hệ giữa hai nước chúng ta và quan hệ hợp tác quốc tế. Nhất là trong thời kỳ hiện nay điều đó là rất quan trọng.

Từ nhiều năm nay Đức và Việt Nam không chỉ duy trì quan hệ hợp tác chặt chẽ, mà giữa người dân hai nước cũng có những kết nối chặt chẽ. Ở Đức có khoảng 180.000 người Việt Nam và người Đức gốc Việt.

Từ hơn 10 năm nay chúng ta thực hiện Quan hệ Đối tác chiến lược. Trong đó hai năm một lần chúng ta thỏa thuận với nhau – như mới đây – một Kế hoạch hành động với những dự án quan trọng chúng ta muốn cùng nhau thực hiện. Chúng tôi cũng vừa trao đổi kỹ về việc đó.

Rất cụ thể ví dụ như về trường Đại học Việt-Đức và tuyến đường Metro mới của Hà Nội sẽ được xây dựng với sự tham gia của Đức. Trước đây tôi đã từng là thị trưởng một thành phố, nên tôi biết rất rõ, những dự án như vậy quan trọng như thế nào đối với người dân của một thành phố và tôi cũng biết, quá trình lập kế hoạch có thể sẽ kéo dài và phức tạp như thế nào.

Chúng tôi cũng đã trao đổi về việc làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế. Với cuộc tấn công của Nga vào Ucraina chúng tôi đang trải qua một sự chuyển đổi sang một thời kỳ mới. Hệ quả là chúng tôi phải mở rộng thị trường tiêu thụ, chuỗi cung ứng, các nguồn nguyên liệu và địa bàn sản xuất của chúng tôi, để chúng tôi không bị phụ thuộc vào từng nhà nước hoặc từng nhà cung ứng. Về điểm này quan hệ hợp tác với Việt Nam có một vai trò rất trung tâm.

Việt Nam là một đối tác quan trọng đối với chúng tôi và doanh nghiệp của chúng tôi. Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam có hiệu lực từ năm 2020 là một cơ sở tốt đẹp để mở rộng quan hệ kinh tế giữa chúng ta. Để làm được  điều đó có ba điểm quan trọng:

Chúng tôi cần những điều kiện pháp lý an toàn khi đầu tư vào Việt Nam. Đối với doanh nghiệp thì điều đó gần như là một trong những thách thức trung tâm trong hoạt động đầu tư của họ. Chính vì thế điều quan trọng là phải tiến hành tất cả các nỗ lực trong lĩnh vực này, sao cho người ta có thể luôn luôn tin cậy một cách hoàn toàn cụ thể vào những gì đã thỏa thuận và vào các quy định pháp luật. Thứ hai chúng tôi cần sự triển khai kiên quyết hợp đồng đã được thỏa thuận, thứ ba là hợp tác chặt chẽ trong đào tạo nghề và trao đổi nhân lực chuyên môn. Như đã biết, khuynh hướng không thay đổi là nhiều nhân lực lao động từ Việt Nam tìm kiếm một tương lai nghề nghiệp ở Đức và cũng đã có những thỏa thuận về việc này được ký kết, mà với những thỏa thuận đó Cơ quan Lao động Đức và các cơ quan ở đây muốn tiếp tục thúc đẩy khuynh hướng phát triển này.

Một trọng tâm nữa trong cuộc trao đổi của chúng tôi là hợp tác bảo vệ khí hậu và chuyển đổi năng lượng. Mới tuần trước tôi đã phát biểu về điều đó tại hội nghị khí hậu thế giới tại Sharr El-Sheikh. Chúng tôi biết, Việt Nam với bờ biển dài và đồng bằng sông Cửu Long thuộc những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đối khí hậu. Chúng tôi cũng biết trách nhiệm đặc biệt của chúng tôi liên quan đến thành công của một quá trình chuyển đổi năng lượng và liên quan đến việc phải làm gì để hỗ trợ quá trình giảm thiểu CO2. Chính vì thế chúng tôi rất vui mừng về việc cuộc Đối thoại Năng lượng Việt-Đức được khởi động trong năm nay như là một diễn đàn để trao đổi về những thách thức và cơ hội của chuyển đổi năng lượng trong hai nước chúng ta.

Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng JETP – như đã được đề cập đến - của nhóm G7 với một số nước được lựa chọn cũng cần phải thúc đẩy một sự chuyển đổi năng lượng công bằng về xã hội. Chúng tôi hy vọng có thể sớm thỏa thuận được với Việt Nam quan hệ đối tác này với những mục tiêu đầy kỳ vọng. Đây là một dự án tốt đẹp của quan hệ hợp tác chặt chẽ và cụ thể.

Tất nhiên chúng tôi cũng đã trao đổi cởi mở về những điểm chúng tôi còn có những quan điểm khác nhau. Việc đó cũng là một thành phần cố định trong Quan hệ Đối tác chiến lược của chúng ta. Trong những điểm đó có sự lo ngại của chúng tôi về tình hình của xã hội dân sự và các quyền con người và tất nhiên cũng cả về những không gian hoạt động của các tổ chức đang hoạt động ví dụ như trong các vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ khí hậu. Chúng tôi cũng đã trao đổi về những khó khăn liên quan đến các viện chính trị. Chúng tôi tin tưởng là đối thoại và trao đổi về những vấn đề rất cụ thể cũng sẽ tạo điều kiện cho những cải thiện cụ thể.

Một lần nữa tôi muốn đề cập đến cuộc chiến tranh xâm lược của Nga. Cuộc chiến tranh đó là một cuộc tấn công không chỉ vào Ucraina, mà còn vào toàn bộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và vào hòa bình toàn cầu. Đức và Việt Nam chia xẻ mối quan tâm đến hiệu lực và thực thi luật pháp quốc tế. Điều đó có giá trị trên biển Đông và liên quan đến việc tôn trọng các thỏa thuận quốc tế của Luật Biển, nhưng cũng hoàn toàn có giá trị chung. Luật pháp quốc tế là cơ sở cho hòa bình, nhưng cũng là cơ sở cho ổn định và phồn vinh của hai nước chúng ta vốn phụ thuộc vào những tuyến đường thương mại tự do và cởi mở.

Chính vì thế chúng tôi mong muốn Việt Nam cũng có một quan điểm rõ ràng trong vấn đề này. Cuộc chiến tranh xâm lược của Nga là một sự phá bỏ luật pháp quốc tế với một tác động tiền lệ nguy hiểm. Những nước nhỏ không thể an toàn được nữa trước thái độ của những nước láng giềng lớn mạnh hơn của họ. Trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sức mạnh của luật pháp cũng phải có hiệu lực, chứ không phải luật pháp của kẻ mạnh hơn.

Ngoài ra Đức và Việt Nam ủng hộ tổ chức khu vực ASEAN như là một nhân tố trung tâm cho một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, cho hợp tác và cho cân bằng hơn trong khu vực. Tất cả những điều đó là những mục tiêu chúng tôi chia xẻ với nhau và tôi vui mừng chào đón hội nghị thượng đỉnh EU-ASEAN trong tháng tới tại Brussels.

Thưa Ngài Thủ tướng, hai nước chúng ta hưởng lợi rất nhiều từ mở cửa và cởi mở. Người dân Việt Nam và người dân Đức hưởng lợi từ quan hệ đối tác của chúng ta và cũng như từ một trật tự quốc tế ổn định. Chung ta muốn cùng nỗ lực cho cả hai – cho quan hệ đối tác song phương và cho trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Hôm nay chúng ta đã trao đổi về điều đó và hướng tới điều đó chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực với những dự án hoàn toàn cụ thể, mà chúng ta muốn thúc đẩy.

nach oben