Willkommen auf den Seiten des Auswärtigen Amts
Mở và đóng tài khoản phong tỏa
Bank account, © colourbox
Trong quá trình xin cấp thị thực, quý vị phải chứng minh có đủ khả năng tài chính để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian lưu trú tại Đức. Một cách để chứng minh là trình tài khoản phong tỏa.
Tôi cần chú ý điều gì khi mở tài khoản phong tỏa?
- Có thể mở tài khoản phong tỏa tại một ngân hàng hoặc một nhà cung cấp dịch vụ tương tự. Quý vị có thể tự do lựa chọn ngân hàng/nhà cung cấp dịch vụ của mình. Thông thường có thể mở tài khoản phong tỏa trực tuyến. Dịch vụ tài khoản phong tỏa được cung cấp ở Đức và nhiều quốc gia khác với các điều kiện khác nhau. Do đó, chúng tôi khuyên quý vị nên nghiên cứu kỹ trước và lựa chọn ngân hàng/nhà cung cấp dịch vụ một cách cẩn thận. Ngoài số tiền cần phong tỏa, quý vị phải trả thêm phí dịch vụ tài khoản phong tỏa cho ngân hàng.
- Trong tài khoản phong tỏa phải có đủ tiền để chi trả chi phí sinh hoạt hàng ngày ở Đức (trừ khi có thêm các giấy tờ chứng minh tài chính khác). Số tiền phải có trong tài khoản trong mỗi trường hợp có thể khác nhau, tùy thuộc vào mục đích lưu trú và dựa theo mức trần tiền hỗ trợ đào tạo của Đức (BAföG). Để biết cần phải chuyển bao nhiêu tiền vào tài khoản phong tỏa, quý vị vui lòng xem thông tin trên trang web của Đại sứ quán/Tổng Lãnh sự quán Đức có thẩm quyền hoặc trên Cổng Dịch vụ công tại nước ngoài. Tài khoản phong tỏa thường được mở cho thời gian 1 năm, ngoại trừ trường hợp thời gian lưu trú dự kiến tại Đức của quý vị ngắn hơn.
- Mỗi tháng chỉ được rút một khoản tiền nhất định từ tài khoản phong tỏa. Như vậy sẽ đảm bảo được rằng mỗi tháng quý vị đều có một khoản tiền tối thiểu cần thiết để chi tiêu và số tiền trong tài khoản đủ dùng cho thời gian lưu trú (ví dụ: cho 1 năm) không bị tiêu hết ngay khi vừa mới sang Đức.
- Khi mở tài khoản phong tỏa, quý vị phải nêu tên “cơ quan yêu cầu phong tỏa”. Cơ quan này có thể là Đại sứ quán/Tổng Lãnh sự quán Đức tại nước ngoài nơi quý vị nộp hồ sơ thị thực (trước khi được cấp thị thực hoặc trước khi sử dụng thị thực) hoặc Sở Ngoại kiều có thẩm quyền tại Đức (sau khi nhập cảnh vào Đức). Tuy nhiên, cơ quan yêu cầu phong tỏa không được truy cập, sử dụng số tiền trong tài khoản.
Làm cách nào để đóng tài khoản phong tỏa?
Để đóng tài khoản phong tỏa, trước đó phải dỡ bỏ phong tỏa tài khoản. Việc đó chỉ có thể thực hiện với sự đồng ý của cơ quan yêu cầu phong tỏa tài khoản (Đại sứ quán/Tổng Lãnh sự quán Đức hoặc Sở Ngoại kiều).
Nếu hồ sơ xin cấp thị thực quốc gia của quý vị bị từ chối, thì chỉ cần trình thư từ chối là có thể dỡ bỏ phong tỏa tài khoản.
Mặt khác, Đại sứ quán/Tổng Lãnh sự quán Đức có thể cấp giấy chứng nhận lãnh sự để dỡ bỏ phong tỏa tài khoản ngân hàng của quý vị, nếu quý vị
- Không xin cấp thị thực và vì vậy cũng không nhập cảnh vào Đức hoặc
- Có nộp hồ sơ xin cấp thị thực, nhưng sau đó đã rút lại hồ sơ hoặc
- Có nộp hồ sơ xin cấp thị thực và đã được cấp thị thực, nhưng không sử dụng hoặc
- Có nộp hồ sơ xin cấp thị thực và đã được cấp thị thực, tuy nhiên trước khi được Sở Ngoại kiều tại Đức cấp giấy phép cư trú thì đã xuất cảnh khỏi khu vực Schengen.
Quý vị vui lòng liên hệ với Đại sứ quán/Tổng Lãnh sự quán Đức nơi quý vị cư trú (nếu thuộc trường hợp 1) hoặc Đại sứ quán/Tổng Lãnh sự quán Đức nơi quý vị nộp hồ sơ thị thực (nếu thuộc trường hợp từ 2 – 4).
Nếu đang lưu trú tại Đức, quý vị vui lòng liên hệ với Sở Ngoại kiều để dỡ bỏ phong tỏa tài khoản