Chào mừng Quý vị đến với trang web của Bộ Ngoại giao Đức!

Kết quả nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU của Đức: „Cùng nhau đưa châu Âu mạnh mẽ trở lại.“

Logo der deutschen Ratspräsidentschaft im 2. Halbjahr 2020

EU Ratspräsidentschaft Deutschland, © Bundesregierung

23.12.2020 - Bài viết

Corona, ngân sách, nhà nước pháp quyền, khí hậu; trong một nửa năm đầy ắp đường lối chính trị, nhiệm kỳ chủ tịch của Đức đã tăng cường EU về đối nội và đối ngoại.

Cuộc chiến chống đại dịch Corona đã đặt dấu ấn lên nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU của Đức, nhưng trong những chủ đề trung tâm khác EU cũng đã có bước tiến quyết định bằng cách hành động trên tinh thần đoàn kết trong đối nội và đồng lòng trong đối ngoại.

EU gắn bó với nhau trong cuộc chiến chống Covid-19:

Cũng nhờ nhiều nhà khoa học châu Âu và nền nghiên cứu khoa học châu Âu nên một loại Vắcxin đã được phát triển, cung cấp và phân phối trong một thời gian kỷ lục. Ngay sắp tới đây việc tiêm chủng chống Corona sẽ được tiến hành trong EU. Tất cả công dân EU sẽ có điều kiện được tiêm chủng trong thời gian tới – một bước đi quyết định ra khỏi đại dịch. Nước Đức nỗ lực để EU cũng chia xẻ Vắcxin cho các nước đặc biệt cần trợ giúp. Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng, Đức đã thành công trong việc tăng cường sự điều phối của EU trong cuộc chiến chống đại dịch thông qua một bản đồ các khu vực có nguy cơ của EU, những quy định thống nhất về nhập cảnh từ các nước thứ ba và cùng xây dựng những chiến lược xét nghiệm và truy tìm những tiếp xúc lây nhiễm. Từ khi bùng phát dịch bệnh, nước Đức đã tiếp nhận và điều trị hơn 260 bệnh nhân phải điều trị tích cực từ các nước láng giềng và ngoài ra còn gửi nhiều hàng hóa trợ giúp như khẩu trang và máy thở đến các nước đối tác trong EU.

Khuôn khổ tài chính nhiều năm và Quỹ Tái thiết „Next Generation EU

Sau nhiều cuộc đàm phán và dựa trên một đề xuất của hai nước Đức-Pháp, EU đã thông qua một „Khuôn khổ tài chính nhiều năm“ (MFR), nghĩa là ngân sách cho nhiều năm, và những khoản tiền dành cho tái thiết sẽ làm cho EU mạnh mẽ trở lại sau đại dịch Corona. Quỹ Tái thiết „Next Generation EU“ gồm 750 tỷ Euro và là một công cụ mới để nhanh chóng trợ giúp được các công dân EU. Quỹ này trước hết hướng tới những nước đặc biệt phải chịu hậu quả nặng nề từ Covid-19. Thêm vào đó là khuôn khổ tài chính nhiều năm cho bẩy năm tới đây là 1,07 nghìn tỷ Euro. Tiêu điểm đặc biệt là: nhiều tiền hơn cho y tế, bảo vệ khí hậu, số hóa và trao đổi thanh, thiếu niên.

Và ngân sách mới còn có thêm một điểm mới: Lần đầu tiên ngân sách kết nối việc chi ngân sách EU với việc tuân thủ các tiểu chuẩn nhà nước pháp quyền. Về nội dung này Đức đã rất tích cực cho đến khi được thông qua. Nội dung này làm cho EU sẵn sàng cho một tương lai xanh và đổi mới – và tăng cường những giá trị của châu Âu.

Tăng cường tính nhà nước pháp quyền

Nhà nước pháp quyền là cơ sở cho cộng đồng giá trị của EU, mà trong đó tự do và các quyền của người dân được bảo vệ. Chính vì thế trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU của mình, Đức đã khởi xướng một cuộc đối thoại mới về nhà nước pháp quyền trong Hội đồng giữa các đối tác EU. Mục tiêu là: Tăng cường nhận thức chung về nhà nước pháp quyền trong EU. Trong một cuộc thảo luận „theo chiều ngang“ tất cả các nước tranh luận về tình hình chung của nguyên tắc nhà nước pháp quyền trong EU. Trong cuộc thảo luận thứ hai nội dung là tình hình tại năm nước thành viên đầu tiên – dần dần tất cả các nước thành viên sẽ đến lượt. Hoạt động kiểm tra về nhà nước pháp quyền này là để hướng sự chú ý chung mạnh mẽ hơn đến chủ đề này và để sớm nhận biết những động thái phát triển có vấn đề. Trong năm tới Bồ Đào Nha sẽ tiếp tục cuộc đối thoại trong nhiệm kỳ chủ tịch Hội đồng EU của mình.

Sự tự chủ của châu Âu

Nước Đức nỗ lực cho một Liên minh châu Âu gia tăng năng lực hành động và sức mạnh kiến tạo của mình – trong những lĩnh vực như an ninh, công nghệ và số hóa, chính sách thương mại hoặc chính sách tiền tệ. EU kết nối tiềm lực của mình và cùng nhau hành động cả trong đối ngoại, vì trong cuộc đua với các cường quốc, từng nhà nước quốc gia không thể một mình góp phần tạo dấu ấn lên trật tự thế giới được nữa. Trong lĩnh vực chính sách an ninh, Đức đã đề ra một loại „La bàn chiến lược“ trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng của mình: Trên cơ sở phân tích các mối đe dọa, các nước thành viên EU trao đổi với nhau về các vấn đề an ninh và phòng thủ và tạo cho mình một hướng chung. Trong cái gọi là „Hợp tác cơ cấu thường trực“ Đức cũng đã kết thúc thành công quá trình đàm phán kéo dài: Trong tương lai các nước không phải thành viên EU cũng có thể tham gia các dự án an ninh và phòng thủ tương ứng của EU. Điều đó cũng tăng cường trụ cột châu Âu của NATO và tăng cường hợp tác giữa EUNATO nói chung.

Tuy nhiên không bao giờ chỉ một mình các biện pháp quân sự giải quyết được các cuộc xung đột – để có được hòa bình bền vững, Đức thúc đẩy và tăng cường công tác quản lý khủng hoảng dân sự như là thành phần trung tâm của Chính sách An ninh và Đối ngoại chung của châu Âu. Với việc thành lập Trung tâm Quản lý khủng hoảng dân sự ở Berlin, Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức đã có một đóng góp quan trọng trong vấn đề này. Tại đây các nước thành viên EU cùng với các đối tác của mình kết nối những kiến thức đã thu thập được và huấn luyện nhân sự để cải thiện các sứ mệnh dân sự của EU.

EU: Tiên phong trong bảo vệ khí hậu

Châu Âu vẫn đi tiên phong trong công cuộc bảo vệ khí hậu: Đến năm 2030 EU muốn giảm phát thải CO2 ít nhất 55%, đến năm 2050 châu Âu chúng ta muốn trở thành châu lục đầu tiên trung hòa về khí hậu (trung hòa carbon). Trong Hội đồng EU, Đức đã nỗ lực thành công khi ấn định những mục tiêu này trong một đạo luật khí hậu của châu Âu. Mục tiêu này là đầy kỳ vọng, nhưng cũng đồng thời tạo ra những cơ hội to lớn: Quá trình chuyển đổi theo hướng bền vững hơn cần phải dẫn tới kết quả tích cực về kinh tế. Và: Ít nhất 30% các khoản chi của EU trong bẩy năm tới cần phải được rót vào lĩnh vực bảo vệ khí hậu. Cùng nhau nỗ lực cho một công cuộc tái thiết bền vững, một „green recovery.“

Nỗ lực cho các quyền con người và giải quyết xung đột

EU đã thông qua một công cụ chính trị mới chống lại những vi phạm nghiêm trọng nhất quyền con người như tra tấn, nô lệ hoặc bạo lực tình dục có hệ thống: với cơ chế trừng phạt liên quan đến các vi phạm quyền con người, EU có thể ngay lập tức cấm nhập cảnh những người liên quan hoặc đóng băng tài sản của họ. Trong các nước EU, Đức đã đặc biệt tích cực ủng hộ vấn đề này.

Cũng quan trọng như giải quyết xung đột là hòa giải. Hoạt động trung gian hòa giải giữa các bên xung đột ví dụ như đã dẫn đến các cuộc đàm phàn hòa bình ở Libya. Nước Đức đã thúc đẩy công cụ này cả ở châu Âu trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng của mình: Các Ngoại trưởng EU đã thông qua một phương án hòa giải mới. Qua đó lần đầu tiên Hội đồng EU có thể quyết định những sứ mệnh riêng của mình – cho một EU mạnh mẽ như là một nhân tố hòa bình toàn cầu.

Đối tác toàn cầu và Cơ chế ba nước chủ tịch luân phiên EU kế tiếp nhau

Chủ nghĩa đa phương, dân chủ, thương mại mở là định hướng chung: EU tăng cường quan hệ của mình với những khu vực quan trọng. EU và các nước ASEAN từ khu vực Đông Nam Á giờ đây là những đối tác chiến lược của nhau. Đến nay Đức còn nỗ lực mạnh mẽ hơn trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái bình Dương. Với các nước châu Mỹ Latinh và vùng Caribe, EU cũng đã tiến hành một hội nghị trực tuyến quan trọng. Những mực tiêu chung là: Bảo vệ khí hậu, đa dạng sinh học, kinh tế bền vững, số hóa được dẫn dắt bằng các giá trị. EU đã đưa ra với Mỹ một đề nghị mới – cho một „New Deal“ với chính phủ Biden và với mục tiêu trong đó có tăng cường trật tự dựa trên luật lệ và làm sinh động trở lại quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương.

Bồ Đào Nha và Slowenia: Các đối tác trong Cơ chế ba nước chủ tịch luân phiên EU kế tiếp nhau

Tính kế thừa là đặc biệt quan trọng, nếu người ta muốn khoan thủng „những tấm ván dày“ trong EU. Cho dù nước nào đang giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng EU: Giải pháp cho những vấn đề lớn như nhà nước pháp quyền, hòa giải hoặc bảo vệ khí hậu phải liên tục được tiếp tục thúc đẩy bằng chính trị. Không phải tất cả các cải cách đều được hoàn thành sau sáu tháng. Chính vì thế Đức hợp tác đặc biệt chặt chẽ với Bồ Đào Nha và Slowenia trong 18 tháng, là những nước sau Đức sẽ đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch Hội đồng EU. Nhiều sáng kiến, ví dụ như đối thoại nhà nước pháp quyền, sẽ được Bồ Đào Nha tiếp tục từ ngày 01/01/2021.


Quay về đầu trang