Chào mừng Quý vị đến với trang web của Bộ Ngoại giao Đức!

Đào tạo nghề y tá và điều dưỡng tại Đức

Lễ khai giảng khóa học mới dự án thí điểm đào tạo nghề chuyên ngành y tá điều dưỡng

Lễ khai giảng khóa học mới dự án thí điểm đào tạo nghề chuyên ngành y tá điều dưỡng, © Đại sứ quán Đức Hà Nội

Bài viết

Bộ Kinh tế CHLB Đức (BMWi) đang tiếp tục tìm kiếm những người Việt Nam trẻ muốn theo học nghề để có thể làm việc trong ngành điều dưỡng tại Đức.

Hàng năm, nước Đức đều tìm kiếm những người Việt Nam trẻ muốn theo học nghề để có thể làm việc trong ngành điều dưỡng tại Đức. Những năm gần đây, Bộ Kinh tế liên bang Đức cũng như các đối tác tư nhân khác đã hợp tác với Cục Lao động ngoài nước của Việt Nam (DOLAB), cũng như Trung tâm lao động ngoài nước (COLAB) để tuyển dụng lực lượng điều dưỡng viên cho thị trường lao động Đức. Điều kiện để thành công chính là đào tạo ngôn ngữ và chuyên môn chất lượng cao cho các học viên điều dưỡng cũng như đảm bảo những quyền cơ bản cho các học viên tại Đức. Bên cạnh những cơ sở Nhà nước thì tại Việt Nam cũng có các cơ sở môi giới tư nhân. Tuy nhiên các cơ sở tư nhân không chuẩn bị đầy đủ cho học viên và đồng thời thu mức phí môi giới rất cao. Vì vậy, Đại sứ quán Đức sẽ cung cấp đầy đủ những thông tin tại đây cho cả những điều dưỡng viên tương lai người Việt Nam, và cả các chủ lao động tại Đức, để có thể xem xét khả năng hợp tác và kiểm tra mức độ tin cậy.

Lao động điều dưỡng tại Đức

Nước Đức đang tìm kiếm lực lượng lao động được đào tạo trong ngành điều dưỡng và chăm sóc người già. Do hệ quả của việc dân số đang ngày càng già đi tại Đức, hiện nay nước Đức đang rất thiếu hụt nhân lực trong ngành điều dưỡng. Số điều dưỡng trong nước và cả những lao động đến từ các nước Châu Âu láng giềng cũng không thể đáp ứng đủ nhu cầu hiện tại và trong tương lai. Vì vậy, Bộ Kinh tế liên bang Đức và các đối tác tư nhân khác từ nhiều năm nay đã hợp tác với Việt Nam trong việc đào tạo thanh niên Việt Nam trở thành điều dưỡng viên tại Đức. Mỗi năm hơn 100 người Việt Nam được chọn. Sau khi theo học một khóa tiếng Đức kéo dài 1 năm tại viện Goethe Việt Nam (học tới trình độ B2, bao gồm cả tiếng Đức chuyên ngành), các học viên sẽ sang Đức học chuyên ngành điều dưỡng trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 năm. Sau khi tốt nghiệp, các học viên có thể làm việc lâu dài trong các cơ sở điều dưỡng của Đức và nhận được mức lương như các đồng nghiệp người Đức khác.

Thông tin về các chương trình tuyển sinh khóa đào tạo điều dưỡng mới có thể xem trên trang web của Trung tâm lao động ngoài nước (COLAB): COLAB

Ý định thư chung về việc hợp tác công bằng

Trong Ý định thư chung giữa Bộ Kinh tế Đức và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam đã nêu ra những nguyên tắc cơ bản trong tuyển chọn học viên một cách công bằng để đào tạo trong ngành chăm sóc người già tại Cộng hòa Liên bang Đức. Ý định thư này bao gồm cả việc hợp tác tư nhân cũng như hợp tác nhà nước trong lĩnh vực này. Bên cạnh các điều kiện về ngoại ngữ dành cho các học viên thì trong Ý định thư cũng đề cập đến những khuyến cáo đối với dịch vụ của các cơ sở tiếp nhận điều dưỡng viên tại Đức như đảm bảo trả lương thỏa đáng cho các học viên để họ có thể tự chi trả cho cuộc sống cá nhân mà không cần phải có sự trợ giúp của Nhà nước. Ngoài ra văn bản này còn đề cập đến việc nên trợ giúp một phần hoặc toàn bộ chi phí liên quan đến việc nhập cảnh cũng như khóa học tiếng.

Về cơ bản, các cơ sở môi giới tại Đức không được phép thu phí môi giới đào tạo của học viên mà chỉ có thể yêu cầu phí này đối với người sử dụng lao động mà trong tương lai sẽ tiếp nhận các học viên này. Nguyên tắc này cũng được phía Việt Nam hỗ trợ. Duy chỉ có trong việc hợp tác với Trung tâm lao động ngoài nước (COLAB) thì được phép thu phí quản lý một lần duy nhất với số tiền là 300 Euro. Đối với hợp tác tư nhân thì COLAB cũng là đầu mối. Để biết thêm thông tin chi tiết cũng như đầu mối liên lạc thì Tổ chức GIZ đã thành lập một dự án riêng:

Trang dự án GIZ

Ý định thư chung

Cảnh báo về các cơ sở môi giới không rõ ràng

Bên cạnh những dự án thí điểm mang tính quốc gia, trong những năm qua đã có rất nhiều các cơ sở tư nhân tiến hành hợp tác trong lĩnh vực này, tuy nhiên họ không đảm bảo được các tiêu chí về tuyển dụng công bằng. Không ít các nhà môi giới yêu cầu học viên phải nộp tất cả các loại phí phát sinh cũng như mức phí môi giới rất cao cho việc đưa sang Đức để học nghề. Tại Đức, việc thu phí môi giới của học viên là bị pháp luật nghiêm cấm. Và những cơ sở môi giới tư nhân này cũng thường đưa các học viên sang Đức mà không chuẩn bị, đào tạo đầy đủ cho học viên về ngoại ngữ hoặc các kiến thức chuyên môn cũng như xã hội, văn hóa để hòa nhập với nước sở tại. Vì vậy, Đại sứ quán đặc biệt cảnh báo về các cơ sở môi giới mà không rõ ràng như sau: Cả học viên và người sử dụng lao động phải hết sức lưu ý, chỉ hợp tác với những cơ sở cam kết không thu phí môi giới của học viên. Khả năng tiếng Đức tốt (trình độ B2) và kiến thức nền trong lĩnh vực điều dưỡng luôn luôn phải là điều kiện cơ bản cho việc tham gia đào tạo tại Đức. Ngoài ra, các đối tác phía Việt Nam phải có giấy phép môi giới do Cục Lao động ngoài nước (DOLAB) cấp thì mới được phép đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc.

Điều kiện cấp visa cho việc đi học nghề tại Đức

Điều kiện để được tham gia vào việc hợp tác đào tạo Đức – Việt nói riêng và hợp tác tư nhân trong ngành điều dưỡng tại Đức nói chung, đó là phải nhận được giấy phép cư trú tại Đức. Thông tin chi tiết xin xem trực tiếp tại địa chỉ sau đây:

Các điều kiện visa cho cư trú dài hạn tại Đức

Cơ hội được đào tạo nâng cao tại Đức

Nếu bạn đã tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Y tá và Điều dưỡng tại Việt Nam, bạn cũng có cơ hội được tham gia đào tạo nâng cao cả về lý thuyết và thực hành tại Đức. Các hình thức đào tạo nâng cao này nhằm giúp cho tấm bằng tốt nghiệp tại Việt Nam của bạn được phía Đức công nhận, và sau đó bạn sẽ có thể được cấp phép hành nghề tại Đức. Điều kiện tham gia là bạn phải có giấy chứng nhận của các cơ quan chịu trách nhiệm về việc này tại Đức, trong đó nêu rõ các hình thức đào tạo cần tham gia. Thông tin chi tiết về các cơ quan này có thể xem tại:

Các nội dung tiếp theo

Quay về đầu trang